Chính trị Mặt trận Xã hội Kinh tế Tiếng dân Văn hóa Thể thao Pháp luật Quốc tế Sức khỏe Khoa học

Những người nghệ nhân cuối cùng còn “giữ lửa” cho nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội vẫn đang viết tiếp những câu chuyện về hành trình của cả một đời gắn bó, tận tâm với nghề truyền thống của cha ông.

Từ bao đời nay, cùng với đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép… những chiếc mặt nạ mang nhiều hình dạng khác nhau là một món đồ chơi không thể thiếu dành cho trẻ nhỏ trong ngày Tết Trung thu. Tuy nhiên những năm trở lại đây, sự xuất hiện của mặt nạ được làm bằng nhựa, mô phỏng theo đủ loại hình các nhân vật như: tôn ngộ không, người nhện, siêu nhân… được bày bán tràn lan trên thị trường đã khiến cho những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống dần mất đi vị trí độc tôn, nhưng không vì thế mà những người nghệ nhân bỏ nghề. Bởi với họ, giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi không chỉ là giữ lại hiện vật cho ký ức tuổi thơ mà đó còn là trách nhiệm giữ gìn nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Đang xem: Cách làm mặt nạ giấy bồi

*

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan làm mặt nạ giấy bồi phục vụ Tết Trung thu 2022. Ảnh: Lê Huy.

Duyên nợ với nghề

Men theo lối nhỏ trong dãy hành lang của căn tập thể cũ ở phố Hàng Than (Hà Nội), chúng tôi tìm đến căn nhà của những nghệ nhân cuối cùng đang “giữ lửa” làm mặt nạ giấy bồi. Căn gác mái chưa đầy 15m2 và chiếc ban công cơi nới rộng chừng 1m là nơi ông Nguyễn Văn Hòa (69 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (64 tuổi) hàng ngày vẫn cần mẫn tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi.

Từ nhỏ, bà Lan đã được bố dạy cho cách để làm ra chiếc mặt nạ, đến năm 1980 sau khi lập gia đình, bà cùng chồng tiếp tục theo nghề bố mẹ để lại. Hơn 40 năm gắn bó với công việc tạo hình, bà Lan kể về ký ức thời mới bắt tay vào làm nghề cũng có nhiều khó khăn, vì làm mặt nạ đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nên phải thật kiên nhẫn.

Dù cuộc sống có nhiều biến động nhưng với bà Lan và gia đình, kỹ thuật làm mặt nạ giấy bồi là thứ tài sản vô giá mà chỉ những người dành trọn tâm huyết cho nghề mới có được. “Nó là nghiệp chứ không còn là làm nghề kiếm tiền. Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ, có cả hồn trong đó thì ngoài việc bỏ công sức tỉ mỉ làm mọi thứ bằng tay còn phải dùng cả tình yêu và cái tâm với nghề thì mới có được sản phẩm đẹp nhất”, bà Lan chia sẻ.

Giữ lấy nghề

Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi cần phải trải qua nhiều công đoạn, trước hết là việc đúc khuôn. Khuôn mẫu là tiền đề để tạo ra những chiếc mặt nạ, vì vậy công đoạn tạo khuôn cực kỳ quan trọng. Những chiếc khuôn ở nhà bà Lan hầu hết là do một tay ông Hòa tạo ra.

Bà Lan cho biết, gia đình bà hiện nay có 30 chiếc khuôn với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Có khuôn tuổi thọ lên đến 40 năm, có khuôn thì mới đúc gần đây như khuôn làm mặt hacker, người nhện… để phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ. “Mình cũng cần phải có một chút thị hiếu, hiểu thị trường, đổi mới các khuôn cho hiện đại một chút thì mới giữ được nghề”, bà Lan nói.

Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Hàn Điện Đúng Kỹ Thuật An Toàn, Hiệu Quả, 5 Kỹ Thuật Cơ Bản Khi Hàn Hồ Quang Tay

Từ những chiếc khuôn đúc sẵn, bà Lan cùng chồng cần mẫn bồi giấy theo khuôn. Không phải loại giấy nào cũng làm được mặt nạ giấy bồi, phải là giấy nhám, giấy xước. Sau khi bồi từng lớp giấy bằng thứ hồ bột sắn do chính tay bà nấu, những chiếc phôi mặt nạ lần lượt ra đời. Chúng được đem đi phơi nắng một ngày, sau đó được bồi hai lớp sơn thật nhẵn và đẹp rồi tiếp tục phơi khô. “Công đoạn này không thể dùng máy sấy bởi vì sấy sẽ làm biến dạng lớp sơn”, bà Lan chia sẻ. Lâu công là vậy nhưng những người nghệ nhân không bao giờ làm trái nguyên tắc của mình. Đối với họ, từng chi tiết trên sản phẩm cần phải được làm một cách hoàn hảo và công phu. Mặc dù công việc có vất vả, phải trông nắng trông mưa nhưng chưa một lần bà Lan cùng chồng chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng của sản phẩm.

Theo bà Lan, mỗi chiếc mặt nạ được bán ra thị trường với giá từ 30.000 – 150.000 đồng tùy loại lớn nhỏ. Sau 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, số lượng hàng của gia đình năm nay bán ra thị trường có phần nhiều hơn. Bà rất vui khi ngày càng có nhiều người tìm đến với mặt nạ giấy bồi, đặc biệt là thế hệ trẻ đã bắt đầu quay trở lại với những món đồ trung thu truyền thống. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui thì người nghệ nhân cũng có những nỗi lo. Bà Lan kể: “Có thời điểm đồ chơi Trung Quốc xâm nhập thị trường đồ chơi dân gian, mặt nạ lúc đó ế ẩm, nhiều người vì thế mà bỏ nghề. Hay hai năm trở lại đây dịch bệnh hoành hành cũng khiến nhiều người không thể bám trụ mà chuyển sang kinh doanh cái khác, nghề cũng vì thế mà bị mai một dần. Chưa kể đến thời điểm lái buôn thấy mặt nạ giấy bồi đắt khách nên bắt chước làm theo, thậm chí có người lấy tên thương hiệu nhà tôi rồi bán những sản phẩm kém chất lượng ra thị trường”. Lo lắng về chỗ đứng của nghề nhưng vợ chồng bà Lan, ông Hòa vẫn tin vào cơ hội để mặt nạ giấy bồi tồn tại và phát triển trong tương lai.

Truyền nghề

Công việc làm mặt nạ đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng hàng ngày vợ chồng bà Lan vẫn cần mẫn bồi từng chiếc mặt nạ. Quy trình làm việc có phần vất vả nhưng được làm mặt nạ là một niềm vui của gia đình bà. “Tôi làm mặt nạ từng bước, từng bước một rất cầu kỳ. Sau khi hoàn thiện tôi mang đi bán, mặt nạ mang về cho tôi thu nhập. Làm nghề này tôi còn được giao lưu với khách hàng của mình. Được gặp nhiều người ấy cũng là một niềm vui”, bà Lan hào hứng chia sẻ.

Cũng có nhiều người bày tỏ muốn theo nghề của bà nhưng không phải ai cũng làm được mặt nạ giấy bồi. Bà Lan cho hay, để làm được nghề này cần phải mang tâm huyết đặt vào từng công đoạn, chú trọng từng khâu, từng chi tiết để tạo nên “hồn cốt” cho chiếc mặt nạ.

Bà cũng bày tỏ bản thân đang nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, để cho các thế hệ sau có cơ hội được nhìn thấy và được chạm vào hiện vật của một nét văn hóa trung thu truyền thống.

Xem thêm: Bảng Giá Bình Nước 20 Lít – Nước Bình 20L Chất Lượng, Giá Tốt, Giao Tận Nhà

Hiện nay gia đình bà Lan đã tìm được người ưng ý để truyền nghề: Đó là anh Ngô Quý Đức, 37 tuổi, ở Hà Nội. Mặc dù không phải con cháu trong nhà, nhưng có người nối tiếp truyền thống văn hóa là một điều bà Lan vô cùng trân trọng. Bà chia sẻ: “Nhiều người đến xin học nghề nhưng người ta chỉ lấy số lượng chứ không lấy chất lượng, mà gia đình tôi thì đặt cái tâm lên hàng đầu nên việc chọn người để truyền nghề cực kỳ quan trọng”.

Hơn 40 năm gây dựng thương hiệu, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan vẫn luôn dụng tâm vào từng công đoạn và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu với mong muốn giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *